Khi nâng cấp SSD cho chiếc máy tính, điều đầu tiên có lẽ là việc cài hệ điều hành (Windows, Linux,..) trên SSD. Nếu cài lại Windows trên SSD họ sẽ phải tốn thời gian cài đặt lại phần mềm. Vì thế, việc di chuyển hệ điều hành Windows sang ổ cứng SSD mới sẽ là lựa chọn tiết kiệm được nhiều thời gian cày cuốc.
Hiện có khá nhiều phần mềm giúp bạn chuyển Windows sang SSD như EaseUS Todo Backup Free, EaseUS Patition Master (free),
MiniTool Partition Wizard (free) hay AOMEI Partition (Pro),…
Nhưng trong bài này mình sẽ thực hiện bằng phần mềm Macrium Reflect. Với phiên bản miễn phí của Macrium Reflect bạn có thể chạy trực tiếp trên Windows đang dùng mà không cần đến
USB Boot.
Ngoài ra, không phải chỉ chuyển hệ điều hành từ HDD sang SSD. Bạn hoàn toàn có thể làm ngược lại chuyển hệ điều hành từ SSD sang HDD. Hay từ HDD sang HDD, từ SSD sang SSD.
Chuẩn bị trước khi chuyển Windows sang SSD/HDD
Việc chuyển một hệ điều hành trên ổ cứng này sang ổ cứng khác, cụ thể ở đây là từ HDD sang SSD có thể xem như việc copy dữ liệu các phân vùng Windows sang ổ cứng mới mà thôi.
Nếu ổ cứng mới chưa có phân vùng cài đặt hệ điều hành thì bạn nên
chia phân vùng ổ cứng trước khi cài đặt/di chuyển OS sang ổ cứng hoặc phân vùng mới.
Ngoài ra, để giảm thiểu thời gian, bạn có thể dọn dẹp bớt các dữ liệu cũng như rác ở hệ điều hành cũ đi. Hãy tham khảo bài
Dọn dẹp tăng tốc máy tính này nhé.
Tiếp theo, để an toàn hơn bạn cũng nên sao lưu dữ liệu quan trọng ra ngoài ổ cứng rời/USB/Cloud.
Download và cài đặt Macrium Reflect free
Để tải về Marcium Reflect bạn có thể vào
trang chủ để tải về bản Home miễn phí. Trang web sẽ yêu cần bạn cung cấp email để nhận link tải về. (Hoặc nhấn
đường link này để download trực tiếp Marcium Reflect version v7.2.4744 bản 64bit)
Bạn sẽ có được công cụ Download Macrium Reflect qua email. Bây giờ hãy chọn phiên bản Free cũng như nơi lưu phần mềm => click download để bắt đầu như hình.
Sau khi download xong, khởi chạy file và cài đặt Macrium Reflect như những phần mềm bình thường khác.
Chuyển Windows sang SSD/HDD mới
- Bước 1:Khởi chạy Macrium Reflect lên. Bạn sẽ thấy giao diện như hình dưới đây. (Phiên bản ở thời điểm viết bài là v7.2).
Ở đây mình chỉ có 2 ổ cứng (1 SSD – ở Disk 1 và 1 HDD – ở Disk 2). Do mình đã chuyển Windows sang SSD rồi nên có các phân vùng trên. Mình cũng lắp SSD thay chỗ HDD luôn nên thứ tự ổ sẽ khác.
Nếu ổ cứng bạn mới mua chưa được chia phân vùng, nó sẽ hiện một đoạn dài màu xám chứ không phải như mình đâu. Nên bạn có thể không cần quan tâm các phân vùng trên ổ SSD của mình.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn xác định ổ đĩa cứng HDD cũ mà bạn đang sử dụng là ổ nào. Nó sẽ là ổ chứa các phân vùng Windows mà bạn cần chuyển sang SSD mới. Như của mình là ổ Disk 2, dung lương 298.09 GB (320GB).
- Bước 3: Click chọn ổ cứng đó và chọn dòng “Clone this disk” ở bên dưới ổ cứng.
- Bước 4:Trong cửa sổ mới, tại mục Source, hãy tích chọn hết các phân vùng Windows để chuyển sang SSD. Nếu bạn muốn chuyển luôn cả phân vùng dữ liệu thì tích chọn luôn. Nếu không thì bỏ tích đi.
Tại mục Destination bạn chọn “Select a disk to clone to” để chọn ổ cứng SSD mới mà bạn cần chuyền Windows đến. Click Next.
Lưu ý, nếu phân vùng dữ liệu ở ổ cứng cũ quá lớn. Ổ cứng SSD mới không đủ chứa. Bạn nên bỏ tích phân vùng dữ liệu đi, chỉ chuyển các phân vùng Windows sang SSD thôi. Nếu không sẽ có thông báo lỗi.
- Bước 5: Cửa số tiếp theo để lập lịch Clone. Bạn có thể click next để bỏ qua.
- Bước 6: Cuối cùng, dựa vào tên và dung lượng ổ cứng. Bạn chú ý 2 dòng Source Disk có đúng là ổ cứng HDD cũ cần chuyển hệ điều hành đi. Và Destination Disk là ổ cứng SSD mới – nơi lưu hệ điều hành đến hay không.
Nếu chưa đúng, hãy quay lại các bước trên và thực hiện cho chính xác nhé.
Chính xác rồi thì click Finish và chờ đợi Marcium Reflect chuyển hệ điều hành Windows sang ổ cứng SSD mới cho bạn. Tùy thuộc vào dung lượng các phân vùng cũng như tốc độ ổ cứng mà thời gian sẽ khác nhau. (OS win10 chứa 50GB, thực hiện khoảng 10 phút)
Điều chỉnh lại Boot option ở BIOS/UEFI
- Bước 1: Sau khi thành công, bạn tiến hành khởi động lại máy tính và vào BIOS/UEFI.
- Bước 2: Tìm đến danh mục tùy chọn thứ tự khởi động (Option Boot => Boot priority). Bạn sử dụng các phím chức năng trong BIOS/UEFI của mình để di chuyển Windows Boot Manager lên thứ nhất.
Giao diện BIOS/UEFI các hãng có thể khác nhau. Nếu có 2 Windows Boot Manager, bạn có thể dựa vào thông tin ổ cứng mà chọn đúng vào ổ cứng SSD mới đưa lên thứ nhất.
Thông thường, Windows Boot Manager trên ổ cứng HDD cũ sẽ ở vị trí đầu sẵn rồi. Bạn hãy di chuyển Windows Boot Manager còn lại lên đầu tiên.
Sau cùng, lưu lại thiết lập và khởi động lại máy tính để trải nghiệm tốc độ màn ổ cứng SSD đem lại nhé.
Xóa các phân vùng trên ổ cứng cũ để lấy lại dung lượng
Sau khi khởi động vào Windows trên SSD mới và sử dụng ổn định rồi. Bạn hãy tiến hành xóa các phân vùng Windows trên ổ cứng HDD cũ đi để lấy lại dung lượng.
Tải và cài đặt phần mềm MiniTool Partition Wizard theo link bên trên => Trong giao diện chính click chuột phải vào các phân vùng Windows trên HDD => chọn Delete --> chọn Apply trên góc trái để áp dụng thay đổi.
Đừng quên Click phải vào phân vùng vừa lấy lại được => chọn Create => đặt tên cho nó => click Ok.
Nếu thích bạn có thể xem thêm cách chia và mở rộng ổ đĩa ở đây và đây nửa.
Xin cảm ơn và chúc các bạn thành công !