Hành tinh đỏ đang “chạy” hệ điều hành với mascot hình chú chim cánh cụt!
Hôm kia, NASA đã cho hạ cánh xuống Sao Hoả một tàu thăm dò tên Perseverance. Hơn 2 triệu người trên toàn thế giới đã chứng kiến sự kiện này, vốn được phát trực tiếp trên YouTube. Chú robot nhỏ của NASA đã vượt qua hàng triệu triệu dặm xuyên không gian để đến với Sao Hoả, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh và lấy mẫu vật cho các nhà khoa học ở Trái đất. Perseverance là tàu thăm dò thứ hai của NASA, sau người anh em đi trước là Curiosity, trên bề mặt hành tinh đỏ.
Tuy nhiên, Perseverance không làm việc một mình. Ingenuity, một chiếc trực thăng tí hon, nằm ngay trên đầu nó. Chủ yếu để biểu diễn công nghệ, sứ mệnh của Ingenuity là thực hiện chuyến bay sử dụng điện đầu tiên trên bất kỳ hành tinh nào ngoài Trái đất, và các nhà khoa học hi vọng nó sẽ là bản mẫu cho những phương tiện bay hiện đại hơn trong các sứ mệnh Sao Hoả trong tương lai. Một điều đặc biệt nữa về Ingenuity: nó chạy hệ điều hành Linux.
Đây là Ingenuity
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi bay bằng Linux trên Sao Hoả" - Kỹ sư cấp cao tại Phòng Thí nghiệm Phản lực NASA (JPL), Tim Canham, nói trong một cuộc phỏng vấn với Viện Điện và Kỹ sư Điện (IEEE). "Framework phần mềm mà chúng tôi đang sử dụng là một framework được phát triển tại JPL cho các vệ tinh hình lập phương và các trang thiết bị khác, và chúng tôi đã mở mã nguồn của nó vài năm về trước". Nó được gọi là F’ (đọc là "F prime"). Bởi đây là phần mềm mã nguồn mở, nên nếu bạn muốn bay bằng hệ điều hành Linux trên Trái đất thông qua phần mềm giống như của JPL, bạn hoàn toàn có thể.
"Đây giống như một chiến thắng của mã nguồn mở, bởi bạn đang bay bằng một hệ điều hành mã nguồn mở và một framework phần mềm bay mã nguồn mở, và bay trên những linh kiện thương mại mà bạn có thể mua ngoài cửa hàng nếu bạn muốn tự làm điều đó một ngày không xa" - Canham nói.
Tuyệt vời! Ai cũng vui khi Perseverance, Curiosity, và Ingenuity đều đã tìm được một ngôi nhà mới trên bề mặt Sao Hoả. Tuyệt vời hơn nữa là khi không gian về cơ bản không phù hợp cho sự sống của loài người, nhưng chúng ta vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý định một ngày trong tương lai có thể định cư ở một nơi xa xôi trong vũ trụ.
Tham khảo: TheVerge