USB 3.2 sẽ có băng thông tối đa gấp đôi là 20 Gbps (2,5 GB/s) so với 10 Gbps (1,25 GB/s) của USB 3.1 Gen2 với cùng cổng USB-C. Vậy điều gì mang lại băng thông này và để khai thác tốc độ tối đa của USB 3.2, chúng ta cần có gì?
Cấu hình USB 3.2 vẫn đang được USB-IF hoàn thiện và về cơ bản nó vẫn giữ lại các thông số vật lý của USB 3.1 với tỉ lệ truyền tải dữ liệu và cơ chế mã hóa. Băng thông gấp đôi có được nhờ khai thác 2 kênh truyền tải dữ liệu trong khi USB 3.1 Gen 1 và Gen 2 hiện tại chỉ sử dụng một kênh tốc độ cao (Super Speed - SS). Kiểu truyền tải 2 kênh này chỉ áp dụng với cổng USB chuẩn C (USB-C) và sợi cáp kết nối giữa thiết bị chủ và thiết bị ngoại vi cũng cần phải đạt tiêu chuẩn.
Để hiểu rõ hơn về 2 kênh truyền tải, chúng ta hãy cùng xem qua layout của các chân pin trong kết nối USB-C như hình trên. USB-C có tổng cộng 24 chân pin theo thiết lập đối xứng như trên cho phép thiết bị cắm theo chiều nào cũng kết nối được. Bên cạnh chế độ truyền tải USB, kết nối USB-C còn hỗ trợ các chế độ thay thế (Alternate Mode). Ở các chế độ này, cáp kết nối có thể truyền tải tín hiệu hình ảnh DisplayPort, khai thác băng thông lớn của Thunderbolt, MHL hoặc HDMI. 2 kênh truyền tải tốc độ cao trong cấu hình USB-C nằm ở các chân pin A2, A3, A10, A10 tức TX1+, TX1-, RX2- và RX2+ tương ứng với B2, B3, B10 và B11. USB 3.1 chỉ sử dụng 1 trong 2 kênh để đạt băng thông 10 Gbps, kênh còn lại với 4 chân pin được dành cho tín hiệu khác theo chế độ thay thế như đã nói. Trong một số trường hợp, tất cả các kênh truyền tải tốc độ cao được sử dụng cho chế độ thay thế và lúc này tốc độ truyền tải dữ liệu qua USB bị giới hạn với USB 2.0, tức là thiết bị phải dùng các chân pin A6, A7, B6 và B7.
USB 3.2 sẽ cho phép cả 2 kênh truyền tải tốc độ cao với 8 chân pin được dùng cho kết nối USB. Dĩ nhiên là cả thiết bị chủ (vd: máy tính) và thiết bị khách (vd: ổ cứng gắn ngoài) cần phải dùng chuẩn USB 3.2 để sử dụng cả 2 kênh. Điều cần lưu ý là nếu chế độ thay thế được kích hoạt, 4 pin bị chiếm dụng để truyền tải tín hiệu khác thì tốc độ truyền tải USB sẽ tự động bị cắt xuống còn 1 kênh như USB 3.1 hiện nay.
Một yếu tố quan trọng là sợi cáp USB 3.1 chuẩn C kết nối giữa thiết bị chủ và thiết bị khách cần phải đạt tiêu chuẩn để có thể đạt hiệu năng tối đa với 2 kênh truyền tải theo chuẩn USB 3.2. Đối với dạng cáp thụ động, tức loại cáp bình thường với lõi đồng mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày thì băng thông 10 Gbps của chuẩn USB 3.1 Gen 2 chỉ đạt được nếu cáp dài dưới 1 m. Cáp chủ động là loại cáp có tích hợp chip bán dẫn để tăng hiệu năng nhưng loại cáp này ít khi xuất hiện. Anh em dùng điện thoại di động có USB-C thì sợi cáp tặng kèm chính là cáp thụ động và hầu hết những sợi cáp như vậy chỉ hỗ trợ tốc độ USB 2.0. Do đó để khai thác tối đa băng thông của USB 3.1 Gen 2 cũng như USB 3.2 trong thời gian tới thì có 3 yếu tố cần quan tâm: 1 là cổng kết nối trên thiết bị chủ như máy tính có hỗ trợ USB 3.2 hay không, tiếp theo là thiết bị ngoại vi, chẳng hạn như USB hay ổ cứng gắn ngoài có hỗ trợ USB 3.2 hay không và nếu thiết bị dùng cáp rời thì sợi cáp USB-C này phải đạt chuẩn. Chắc chắn lúc đó sẽ có một dấu hiệu để chúng ta biết được sản phẩm nào hỗ trợ USB 3.2, cũng giống như ký hiệu SS 10 trên cổng USB cho biết đây là USB 3.1 Gen 2 với băng thông 10 Gbps.
Một điều nữa là USB 3.2 là một chuẩn chứ không phải là tên cổng và nó chỉ áp dụng với cổng USB-C. Những thiết bị trong tương lai được trang bị cổng USB-C với chuẩn USB 3.2 có thể tương thích ngược với các thiết bị dùng cổng USB-C hiện có. Ví dụ như anh em đang dùng một cái USB nhớ có cổng USB-C với tốc độ của USB 3.1 Gen 1 chẳng hạn thì khi cắm vào cổng USB-C chuẩn USB 3.2 thì nó vẫn hoạt động được nhưng chỉ khai thác băng thông 5 Gbps của USB 3.1 Gen 1 thôi.
Nguồn: Tinhte.vn