Nếu bạn đang có dự định chuyển sang sử dụng chiếc máy tính MacBook của nhà Apple thì đây chính là bài viết bạn cần. Bài viết tổng hợp những điểm khác biệt chính trong cách sử dụng giữa MacBook và Windows, mang đến cho bạn cái nhìn chi tiết hơn, tránh bỡ ngỡ ở lần đầu tiên.
Những điều nhắc đến trong bài viết này cũng có thể được xem như là những điểm mạnh, điểm yếu ở chiếc máy MacBook so với Windows trong quá trình sử dụng thực tế, không bao gồm những so sánh như cấu hình máy, chip, v.v. Nếu cần, bạn có thể tìm thêm cái bài viết review, so sánh mà đã thực hiện.
Tận dụng các thao tác nhanh với Trackpad
Ở các dòng máy MacBook, Trackpad pad (hay còn gọi là Touchpad) luôn được xem là 1 điểm mạnh bởi sự đa dạng mà nó có thể hỗ trợ cho người dùng.
Bên cạnh việc di chuyển chuột cơ bản, những thao tác như click chuột trái, phải đều được thay thế bằng số lượng ngón tay chạm vào Touchpad. Hay chỉ đơn giản với thao vuốt, chụm, mở rộng 2-3 ngón tay là bạn đã thực hiện được những thao tác quay lại trang trước, phóng to hay thu nhỏ màn hình, chuyển đổi cửa sổ, v.v cực kỳ mượt mà.
Apple còn cho phép người dùng tự cài đặt những thao tác này tuỳ theo cá nhân mình mong muốn như thế nào. Bạn có thể vào System Prefenrences > Trackpad > lựa chọn thao tác với Trackpad để xem thêm chi tiết nhé!
Sắp xếp gọn gàng với thanh Dock
Tương tự như những ứng dụng ở thanh dưới cùng màn hình iPhone, bạn có thể thấy dù bạn di chuyển sang các màn hình Home khác nhưng chúng vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Đối với máy tính MacBook, đây được gọi là thanh Dock.
Sau khi được cài đặt và sắp xếp, thanh Dock sẽ giúp người dùng truy cập vào những ứng dụng, trình duyệt nhanh gọn hơn. Đồng thời, theo dõi những cửa sổ và phần mềm đang được mở. Bạn có thể truy cập thanh Dock bất cứ khi nào mà không cần thiết quay lại màn hình desktop.
Apple không yêu cầu người dùng phải giữ phần mềm hay ứng dụng nào trên màn hình desktop như Windows nên bạn hãy tận dụng tính năng của thanh Dock nhé! Để cài đặt, bạn vào System Prefenrences > Dock để tuỳ chỉnh ẩn hiện, vị trí, kích thước mà bạn sẽ nhìn thấy thanh Dock.
Không cần thiết tắt nguồn sau mỗi lần dùng
Thao tác shutdown – tắt nguồn hẳn ở máy MacBook được cho rằng có tác dụng không tốt đến cả phần cứng và phần mềm của máy.
Chi tiết hơn, khi máy được shutdown, các dữ liệu sẽ được chuyển vào bộ nhớ phần cứng nên khi bạn mở máy sử dụng vào ngày hôm sau, máy phải kiểm tra và khởi động lại tất cả mọi thứ từ a-z. Đồng thời, nhờ vào tính năng Sleep, MacBook chạy ngầm các chương trình sửa lỗi trong app, các trình bảo dưỡng và dọn dẹp hệ thống của chính nó.
Bạn chỉ nên shutdown khi nhận thấy máy giật lag, báo lỗi, chậm để sửa các lỗi này. Với kinh nghiệm cá nhân sau khi sử dụng MacBook 4 năm, mọi thứ vẫn rất ổn và hoạt động tốt, không có vấn đề gì về pin dù mình chỉ để máy Sleep là chủ yếu.
Nút tắt, thu nhỏ, ẩn ở cửa sổ làm việc
Đối với người dùng chuyển từ Windows sang MacOS, bạn có thể còn bối rối với chính cửa sổ làm việc đấy. Các kí hiệu quen thuộc như dấu x đỏ, ô vuông hoặc dấu gạch giúp chúng ta tắt, thu nhỏ hoặc phóng to đầy màn hình, ẩn cửa sổ ở Windows đều sẽ được thay thế bằng 3 nút màu đỏ, vàng, xanh với chức năng tương tự ở cửa sổ MacBook.
Đừng lo lắng nếu bạn bối rối hay không biết phải nhấn vào đâu ở lần đầu sử dụng. Bạn sẽ nhanh chóng quen thôi vì đây là 1 thao tác rất thường được sử dụng ở MacBook.
Các phím tắt cơ bản trên bàn phím
Còn một điều lưu ý ở đây chính là nút Command (Cmd) trên bàn phím MacBook. Nếu ở Windows, bạn vẫn thường sử dụng nút Control (Ctrl) mỗi lần phải nhấn tổ hợp phím tắt nào đó thì với MacBook, hãy thay thế bằng nút Cmd nhé!
Do các phím điều chỉnh độ sáng màn hình, độ sáng bàn phím, tăng giảm âm lượng, thực hiện thao tác chạy, tạm dừng, qua bài hoặc quay lại đều được tích hợp ở hàng trên cùng của bàn phím MacBook nên bạn cũng cần ghi nhớ tác dụng của chúng để dễ dàng sử dụng hơn. Đồng thời, với các phím tích hợp, bạn hãy dùng phím Fn để chuyển đổi công dụng nhé!
Liên kết với thiết bị khác qua Apple ID
Để mở ra thêm nhiều chức năng đồng bộ hoá, kết hợp sử dụng với các thiết bị như iPhone hay iPad, bạn nhớ đăng nhập vào tài khoản Apple ID của mình nhé!
Khi mở ứng dụng Safari để lướt web trên điện thoại, chiếc MacBook ngay lập tức có thể nhận diện và thao tác chuyển đổi giữa 2 thiết bị là vô cùng mượt mà. Bạn có thể tiếp tục lướt web với chính trang web bạn mở trên điện thoại.
Còn 1 tính năng thú vị sau khi liên kết qua Apple ID nữa chính là thao tác sao chép – dán. Bạn nghĩ sao khi những gì bạn đang sao chép trên điện thoại lại được dán trên máy tính?
Kho ứng dụng App Store
Kho ứng dụng App Store trên máy tính MacBook tất nhiên sẽ không có quá nhiều sự lựa chọn ứng dụng miễn phí cho bạn như là iPhone hay iPad. Bạn có thể hiểu rằng những nhà phát hành ứng dụng cần nhiều công sức hơn để viết ra 1 chương trình tương thích và chạy mượt mà trên chiếc laptop. Vì thế, hầu như các ứng dụng ở App Store đều sẽ tính phí bạn nhé!
Tuy nhiên, bạn cũng không cần lo lắng nhiều bởi các ứng dụng nhắn tin, gọi điện chúng ta thường dùng vẫn sẽ được tải về miễn phí từ chính trang web của họ thay vì App Store trên MacBook. Đây là sự khác biệt lớn nhất nếu bạn có dùng iPhone hoặc iPad!
Tạm kết
Với bài viết chia sẻ về những điểm khác biệt cơ bản trong cách sử dụng giữa MacBook và Windows, hi vọng bạn sẽ phát hiện ra một điểm hay ho hoặc thu hút bạn ở chính chiếc máy MacBook này.
Nguồn: cellphones