Trí tuệ thu nhỏ (OI) phát triển từ tế bào não người có ưu thế khi có trực giác và tiết kiệm điện năng gấp hàng triệu lần so với siêu máy tính AI.
Đây là công nghệ được các nhà khoa học phát triển và thử nghiệm suốt nhiều năm qua. Ảnh: Cnet.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một chủ đề nóng, được nhiều người quan tâm gần đây. AI xuất hiện trong mọi mặt đời sống từ trợ lý ảo trên điện thoại, tích hợp vào các công cụ tìm kiếm đến những hệ thống bảo mật như nhận dạng khuôn mặt, phần mềm xử lý giọng nói…
Song, nhiều nhà khoa học cho rằng “trí tuệ thu nhỏ” (Organoid Intelligence - OI), phát triển từ tế bào não người, sẽ vượt mặt tất cả hệ thống nhân tạo hiện nay và chứng minh tính hiệu quả của mình.
Trí tuệ khổng lồ từ tế bào não người nhỏ bé
Organoid là các mô 3D cực nhỏ được nuôi cấy từ tế bào gốc. Đây là công nghệ được các nhà khoa học phát triển và thử nghiệm suốt nhiều năm qua. Trong đó, nhóm các nhà nghiên cứu của Giáo sư Thomas Hartung tại Đại học Johns Hopkins đang nghiên cứu những mô hình não thu nhỏ này để phát triển máy điện toán sinh tính (biocomputer) chạy bằng tế bào não người.
“Hiện tại, công nghệ dùng để phát triển máy điện toán sinh tính đã đạt đến một trình độ nhất định. Chúng tôi hy vọng những chức năng ấn tượng của tế bào não người có thể áp dụng vào công nghệ ‘trí tuệ thu nhỏ’ (OI).
Trong đó, một trong những khả năng ấn tượng là trực giác, giúp máy móc đưa ra quyết định nhanh chóng ngay cả trong trường hợp thông tin nguồn vẫn còn thiếu sót và có nhiều mâu thuẫn”, Giáo sư Hartung nói với Cnet.
Mô hình não thu nhỏ có tiềm năng ứng dụng rất lớn. Ảnh: Johns Hopkins University.
Theo Cnet, việc ứng dụng các mô hình não tí hon nuôi cấy từ não người sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học vì họ sẽ không cần thử nghiệm trên cơ thể người hay động vật.
Giáo sư Hartung đã tạo ra các mô não 3D từ năm 2012 bằng cách tái lập trình các tế bào da, sau đó biến chúng thành các tế bào gốc phôi (embryonic stem-cell), có khả năng phân chia không ngừng.
Các tế bào này sau đó sẽ phát triển và hình thành tế bào não như người thật, trong khi đó những mô não tí hon có thần kinh nơ-ron sẽ đảm nhiệm các tác vụ cơ bản như ghi nhớ và học tập kỹ năng.
“Công nghệ này đã mở ra những nghiên cứu đào sâu về cách thức não người làm việc bởi chúng tôi có thể kiểm soát hệ thống, làm những điều vốn được cho là trái đạo đức với não người”, Giáo sư Hartung chia sẻ.
Siêu máy tính 600 triệu USD cũng chỉ bằng một tế bào não
Ông và nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tích hợp mô não tí hon vào các máy điện toán sinh tính, tiết kiệm điện năng hơn những siêu máy tính hiện nay. “Các máy tính hiện đại không thể đạt được trình độ như mô não”, giáo sư nhận định.
Frontier, siêu máy tính đời mới nhất có giá 600 triệu USD và chiếm hơn 6.800 m2 diện tích, cũng chỉ đạt năng lực điện toán bằng một tế bào não nhưng lại tốn lượng năng lượng nhiều gấp hàng triệu lần, Hartung nói thêm.
Các nhà khoa học cho rằng các siêu máy tính hiện nay có lợi thế là tốc độ xử lý con số và dữ liệu nhanh như đối với những vấn đề logic, suy luận phức tạp, tế bào não lại chiếm ưu thế hơn. “Máy tính và não không giống nhau. Tiềm năng của OI chính là bổ sung thêm nhiều khả năng mới cho hệ thống máy tính hiện nay”, giáo sư chia sẻ.
Tế bào não DishBrain có thể chơi được Pong sau khoảng 20 phút huấn luyện. Ảnh: DishBrain.
Song, Cnet cho rằng những nghiên cứu liên quan đến máy điện toán sinh tính hay trí tuệ thu nhỏ sẽ dấy lên nhiều tranh cãi. Chủ đề về mô não 3D có tình cảm, biết tư duy và nhận thức về bản thân đã được bàn luận suốt nhiều năm qua.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Hartung khẳng định không có công nghệ nào không có mặt trái. “Mặc dù không thể triệt tiêu mọi rủi ro, con người vẫn nắm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống. Máy móc vẫn không thể là yếu tố quyết định đời sống con người”, ông khẳng định.
Trong số mới nhất của tạp chí khoa học Frontiers in Science, giáo sư cùng nhóm nghiên cứu đã mở ra tương lai vô hạn cho OI. Tháng 10/2022, nhóm các nhà khoa học này từng gây chú ý khi thử nghiệm thành công dạy “DishBrain”, có kích thước chỉ bằng móng tay út và có ít nhất hơn 100 triệu tế bào thần kinh, học cách chơi game đánh bóng Pong chỉ trong 20 phút.
Trò chơi này gồm 2 tấm “ván” ở 2 đầu màn hình, người chơi điều khiển hai tấm ván này để đánh một quả bóng qua lại. Trong khi đó, DishBrain có vùng “cảm giác”, thu nhận tín hiệu từ thế giới, và vùng “vận động", điều khiển phản ứng đầu ra.
Trong vùng cảm giác, 8 điện cực truyền điện vào các tế bào thần kinh để thông báo vị trí của tấm ván và quả bóng. Vùng vận động thu nhận tín hiệu từ tế bào để điều khiển chuyển động của tấm ván trên màn hình trò chơi.
Theo Zing