Hệ điều hành desktop nổi tiếng nhất của Google là Chrome OS, nhưng ít ai biết rằng trong nội bộ Google còn sử dụng distro Linux của riêng họ gọi là gLinux.
Nếu có cơ hội dạo quanh trụ sở Google tại Mountain View, bạn sẽ thấy những chiếc máy tính Windows, Chromebook, Mac, và cả gLinux nữa. Bên cạnh việc sử dụng Linux cho các máy chủ, Google còn sở hữu một distro Linux của riêng họ!
Đúng vậy, trong hơn một thập kỷ qua, Google đã tự phát triển và sử dụng một distro Linux dành cho máy tính để bàn - phiên bản đầu tiên của nó chính là Goobuntu, sự kết hợp giữa Google và Ubuntu.
Năm 2018, Google chuyển sang sử dụng một distro Linux mới, dựa trên Debian, gọi là gLinux. Lý do họ đưa ra là bởi chiến lược ra mắt phiên bản LTS (hỗ trợ lâu dài) hai năm một lần của Ubuntu buộc công ty phải nâng cấp hơn 100.000 thiết bị đang sử dụng Goobuntu trước khi vòng đời của hệ điều hành này kết thúc - một công việc quá tốn công sức lẫn chi phí, khi mà Google còn phải tùy chỉnh các máy tính dành cho đội ngũ kỹ sư của họ nữa. Ngoài ra, quá trình nâng cấp các máy tính chạy Goobuntu thường mất đến một năm trời, và do đó họ chỉ có thể sử dụng thêm một năm nữa trước khi phải thực hiện lại toàn bộ lần nữa với bản LTS tiếp theo.
Quá chán ngán, Google quyết định chuyển sang Debian Linux. Công ty tạo ra một bản distro Debian theo hình thức rolling, gọi là GLinux Rolling Debian Testing (Rodete). Về cơ bản, ý tưởng ở đây là người dùng và các nhà phát triển sẽ được hưởng lợi nhiều nhất thông qua việc cài đặt các bản cập nhật và bản vá mới nhất ngay khi chúng được tạo ra và thử nghiệm kỹ càng. Những distro đi theo hình thức này bao gồm Arch Linux, Debian Testing, và openSUSE Tumbleweed.
Câu chuyện đằng sau hệ điều hành Linux “chính chủ” của Google - Ảnh 1.
Đối với Google, mục đích quan trọng nhất là không phải chạy đua theo chu kỳ nâng cấp hai năm một lần nữa. Thực tế cho thấy, việc tung ra những cập nhật kiểu nhỏ giọt mang lại hiệu quả khá tốt. Chúng cũng dễ kiểm soát hơn và dễ quay lại trạng thái trước khi cập nhật hơn nếu có vấn đề xảy ra.
Để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, Google đã tạo ra một hệ thống luồng công việc mới gọi là Sieve, với chức năng tự động phát hiện gói Debian mới và build, thử nghiệm, rồi phân phối bản cập nhật đến các máy tính đang chạy gLinux của hãng. Nhờ có Sieve, toàn bộ nhóm phát triển gLinux chỉ cần đúng một kỹ sư phụ trách phát hành cập nhật, và vị trí này sẽ lần lượt chuyển qua lại giữa các thành viên trong nhóm. Quá trình nâng cấp không cần trải qua nhiều bước thử nghiệm quy mô lớn, kéo dài nhiều giai đoạn với nhiều bản alpha, beta… như thông thường.
Nhờ hình thức cập nhật kiểu rolling, Google có thể vá các lỗ hổng bảo mật trên toàn bộ các thiết bị chạy gLinux một cách nhanh chóng mà không gây ảnh hưởng đến tính ổn định chung. Trước đây, các kỹ sư bảo mật phải đánh giá một cách cẩn trọng từng bản cập nhật Debian Security Advisory (DSA) để đảm bảo có đầy đủ các bản vá.
Trong thời gian tới, nhóm Linux của Google sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với đội ngũ Debian và cung cấp thêm nhiều bản vá của chính họ để duy trì hệ sinh thái Debian nói chung.
Tham khảo: ComputerWorld