Vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dùng vào mạng xã hội lớn Facebook.
Theo kết quả bài khảo sát 4.594 người trong khoảng thời gian từ 29/5 đến 11/6, 26% người tham gia đã xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại. Chỉ 9% quyết định tải xuống toàn bộ thông tin của mình mà mạng xã hội kia đang nắm giữ. Mặt khác, 54% cho biết họ đã thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên app, còn 42% đã phải ngừng sử dụng nền tảng này suốt nhiều tuần.
Nghiên cứu của hãng Pew Research Center hé lộ rằng người dùng Facebook ở độ tuổi từ 18 đến 29 có xu hướng xóa ứng dụng này (44%) hơn so với những người 65 tuổi trở lên (12%). Trong số những người quyết định giữ nó lại trên máy, chỉ 33% người già thay đổi cài đặt riêng tư, còn 64% thanh niên đã thực hiện điều này. Số lượng người "tạm thời" chia tay với Facebook của 2 nhóm không quá khác biệt: 40% đối với giới trẻ và 47% với các bậc "bô lão".
Đâu là nguyên nhân dẫn tới kết quả này? Nhiều khả năng vụ việc liên quan đến Cambridge Analytica diễn ra hồi tháng 3 năm nay chính là "thủ phạm". Vụ bê bối xoay quanh việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook mà Cambridge Analytica bắt đầu thực hiện vào năm 2014. Dữ liệu này được sử dụng để gây ảnh hưởng đến ý kiến cử tri thay mặt các chính khách thuê họ.
Hôm qua, COO của Facebook là bà Sheryl Sandberg cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc công ty mạng xã hội đã xuất hiện trong phiên điều trần thứ tư của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Mục đích của buổi họp này là để thăm dò phản ứng của nền tảng này trước các ảnh hưởng từ phía nước ngoài.
Nghiên cứu từ Pew cho thấy số lượng người thuộc đảng Dân Chủ có sở hữu tài khoản Facebook tham gia khảo sát của họ ngang bằng với số người đến từ đảng Cộng Hòa. Và cả hai đảng đều có lượng người dùng tạm ngưng sử dụng hoặc đã xóa app Facebook khỏi smartphone của mình ngang nhau.
Theo PhoneArena