Mặc dù khu vực này đang ngày càng sản sinh ra nhiều công ty công nghệ hứa hẹn nhất thế giới, nhưng những gã khổng lồ của ngành công nghiệp này hầu như đều đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, tại châu Âu, chúng ta không thấy có công ty nào phát triển nhanh như Ant Financial hay Uber. Hai công ty công nghệ có nhiều hứa hẹn nhất của châu Âu là Spotify của Thuỵ Điển và Zalando của Đức có tổng giá trị thị trường vào khoảng 42 tỷ USD, theo dữ liệu từ GP Bullhound. Trong khi đó, riêng Alibaba đã có giá trị xấp xỉ 480 tỷ USD, và giá trị thị trường của Facebook đang rơi vào khoảng 550 tỷ USD.
Trong số những công ty công nghệ được thành lập kể từ năm 2000, các công ty của châu Âu đang bị bỏ lại xa ở phía sau nếu tính về mặt giá trị thị trường:
Sự khác biệt này còn rõ rệt hơn, khi mà nền kinh tế 17 nghìn tỷ USD của châu Âu có thể sánh nganh với kích cỡ của nền kinh tế Mỹ, và lớn hơn cả của Trung Quốc. Ngoài ra, khu vực này cũng không thiếu nhân tài. Châu Âu đẻ ra rất nhiều nhà toán học, nhà khoa học máy tính và các nhà phát triển phần mềm hàng đầu thế giới.
Thiếu nguồn vốn
Một trong những lý do lớn nhất khiến cho châu Âu bị bỏ lại phía sau là do nguồn vốn. Kêu gọi được một nguồn tiền vốn khổng lồ sẽ giúp cho các công ty trẻ có thể nhanh chóng tìm được tất cả những mảnh ghép cần thiết của một doanh nghiệp để có thể duy trì quán tính của họ.
Những công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ và châu Á mà được tạo ra từ năm 2000 trung bình đã kêu gọi được khoảng 7,3 tỷ USD, trong khi những công ty của châu Âu chỉ gây được khoảng 1,6 tỷ USD, theo GP Bullhound. Họ nhận định rằng: "Nếu không có sự gia tăng các vòng kêu gọi vốn lớn, châu Âu sẽ không bao giờ có thể đuổi kịp những đối thủ của Mỹ và châu Á."
Tuy nhiên, tại châu Âu đã bắt đầu có các dấu hiệu tích cực. 9 công ty, bao gồm công ty công nghệ tài chính TransferWise và Klarna, đã kêu gọi được 200 triệu USD trở lên trong năm ngoái, theo GP Bullhound. Chỉ có 2 công ty mà đã có thể kêu gọi được nhiều tiền đến vậy trong năm 2013 (một trong số đó là Spotify).
Với sự lạc quan này, GP Bullhound tin rằng châu Âu có nhiều ứng cử viên đầy hứa hẹn mà có thể đạt được mức giá trị từ 50 tỷ USD trở lên.
Văn hoá ở Silicon Valley
Một trong những lí do mà Silicon Valley của Mỹ có được lợi thế là do văn hoá của họ. Maria Scott, CEO của TAINA Technology chia sẻ rằng sự cố vấn hỗ trợ và những lời khuyên từ những doanh nhân công nghệ lỗi lạc tại Silicon Valley quả là "một thứ tai nghe mắt thấy, giống như thể được đi vào một cái ốc đảo vậy."
Mạng lưới startup tại đây trở nên quan trọng hơn, khi mà các startup đi vào giai đoạn phát triển khó khăn, và người sáng lập bị cám dỗ để hoặc là bán đi doanh nghiệp của mình, hoặc là phải hạ thấp tham vọng của mình. Những cố vấn dày dạn kinh nghiệm có thể đem đến cho những người điều hành trẻ tuổi sự tự tin để có thể tiếp tục bước đi. Scott nhận xét rằng: "Bạn chỉ có thể có được điều này từ những người mà đã làm được điều đó nhiều lần rồi."
Ở London và Paris cũng đã bắt đầu có nhiều nỗ lực để nuôi dưỡng một cộng đồng mạnh hơn. Scott cho rằng những chương trình kiểu này thực sự sẽ tạo ra một sự khác biệt, mặc dù sự thay đổi trong văn hoá sẽ phải mất nhiều thời gian.
Chia sẻ rủi ro và thành quả
Index Ventures đã được thành lập ở châu Âu vào hơn 20 năm trước. Họ đầu tư vào một danh mục đầu tư gồm những công ty ở hai phía bờ Đại Tây Dương. Công ty đầu tư mạo hiểm cho rằng một trong những "thành phần chính" của Thung lũng Silicon là quyền sở hữu của nhân viên thông qua các tuỳ chọn trợ cấp bằng cổ phiếu, thứ mà cho phép các startup nhỏ có thể thu hút các tài năng hàng đầu.
Nó tạo ra một vòng lặp: sự thành công của những "triệu phú Google" đã giúp thu hút nhiều nhân tài vào hệ sinh thái. Ngoài việc khuyến khích những lập trình viên trẻ tuổi làm việc chăm chỉ hơn, họ cũng khuyến khích những người này ở lại công ty lâu hơn để có thể thu lại được thành quả.
Criteo, một nền tảng quảng cáo được thành lập ở Paris, đã phát hiện ra sự khác biệt khi họ mở rộng tại Mỹ. Jean-Baptiste Rudelle, CEO của Criteo chia sẻ: "Những ứng viên phỏng vấn tại Paris chỉ hỏi chúng tôi về những phiếu ăn, chứ không hỏi gì về tuỳ chọn cổ phiếu."
Công ty này đã hưởng ứng với nguyên lý chia sẻ thành quả, và đã ứng dụng mô hình trợ cấp bằng cổ phiếu. Ít nhất đã có 50 nhân viên trở thành triệu phú khi mà công ty gặt hái được thành công trên Nasdaq vào năm 2013.
Ngoài ra, còn một câu hỏi được đặt ra là, liệu châu Âu có thực sự muốn có những người khổng lồ của ngành công nghệ hay không. Facebook và Google đều đã trở thành những gã khổng lồ của ngành công nghiệp này, thậm chí có thể đã tạo được ra những thế độc quyền, tuỳ thuộc vào cách bạn định nghĩa độc quyền là gì. Họ đã lớn mạnh đến nỗi các chính phủ còn không biết phải điều chỉnh những công ty này như thế nào. Phía Liên minh châu Âu rất cảnh giác với những vấn đề kiểu này: họ đã phải tăng cường các luật bảo vệ dữ liệu, và nhiều quan chức đã tìm mọi cách để tấn công vào các đại gia công nghệ của Mỹ.
Madgahi cho rằng một số quan chức ở Brussels sẽ muốn không có người khổng lồ công nghệ nào cả. Tuy nhiên, nếu sự phát triển của công nghệ là điều không tránh khỏi, những cơ quan giám sát của châu Âu vẫn sẽ muốn những người chơi chủ chốt là những công ty châu Âu.
Nguồn: Genk.vn