Ban soạn thảo Đề án xây dựng Bách khoa toàn thư Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thành, ngoài bản in giấy, nội dung bộ Bách khoa toàn thư này cũng sẽ được công khai trên mạng Internet.
Ngày 26/6/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc, nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá.
Mục tiêu xây dựng cuốn Bách khoa toàn thư vào lĩnh vực cụ thể về kinh tế, quốc tế nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; hy vọng trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc, nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Đến nay, Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ. Tuy nhiên, với cách biên soạn như truyền thống, thời gian thực hiện Đề án sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.
Còn Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá đang tiếp tục triển khai nhiều phân hệ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nhân đạo, văn hoá… Đây là đề án không sử dụng ngân sách Nhà nước, tận dụng thế mạnh CNTT với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đến nay một số dự án của Hệ tri thức Việt số hoá đã ra mắt và đang tiếp tục hoàn thiện. Từ đó, từng bước xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, kiến thức của người dân; tạo ra các ứng dụng phổ cập tri thức phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Tại cuộc họp, cơ quan thường trực 2 đề án xem xét, thảo luận phương án phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các nhiệm vụ với mục tiêu sáng tạo và phổ biến tri thức đến người dân. Trong đó, các ý kiến đã trao đổi kỹ về đề xuất phương thức, cách làm mới trong tổ chức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam với sự hỗ trợ của Hệ tri thức Việt số hoá.
Cụ thể, với khoảng 60.000 mục từ cần biên soạn của Bách khoa toàn thư Việt Nam, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung các mục từ.
Từ nguồn dữ liệu thô, các nhà khoa học có thêm thời gian xem xét, xử lý, gia tăng hàm lượng tri thức trong từng mục từ. Những cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng Bách khoa toàn thư mở sẽ được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh theo đúng tôn chỉ của Hệ tri thức Việt số hoá.
Sau khi hoàn thành, ngoài bản in giấy, nội dung bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng sẽ được công khai trên mạng và cập nhật liên tục.
Trên thế giới, ngay cả những nước có truyền thống làm bách khoa toàn thư khi làm theo cách cũ thường mất trên 10 năm, thậm chí hàng chục năm để hoàn thành. Nhưng với sự phát triển của CNTT, ngoài bản in giấy, nội dung nhiều bộ bách khoa toàn thư lớn đã được công khai trên mạng và cập nhật liên tục theo thời gian. Vì vậy, nếu áp dụng phương thức biên soạn mới, tận dụng lợi thế công nghệ, với tinh thần cầu thị, chúng ta sẽ huy động được sự đóng góp của cả cộng đồng. Trong đó, rất nhiều nhà khoa học, trí thức mong muốn cống hiến chứ không chỉ dừng lại ở khoảng 6.000 nhà khoa học được mời tham gia Đề án. Đặc biệt, cách làm này có thể rút ngắn thời gian thực hiện Đề án.
Trước đó, tại cuộc gặp các trưởng ban biên soạn chuyên ngành của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam là quá trình liên tục. Vì vậy rất cần thống nhất cách làm trên tinh thần mở và linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin, mạng Internet.