Coin và token là hai khái niệm trong thế giới blockchain. Nhiều người dùng bị nhầm lẫn về hai loại tiền số này.
Người dùng thường sử dụng các khái niệm "coin" và "token" để chỉ chung các loại tiền mã hoá. Tuy nhiên, khái niệm và cơ chế hoạt động của coin và token khác nhau.
Coin hoạt động trên nền tảng độc lập
Theo Business Insider, tiền mã hoá được tạo ra để sử dụng như tiền mặt thông thường. Trong đó, coin giúp người dùng có thể thanh toán hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, chúng có thể được chia thành các phần lẻ như 0,000067 Bitcoin.
Nói một cách dễ hiểu, coin là một loại tài sản kỹ thuật số, hoạt động trên chuỗi khối riêng. Ví dụ: Bitcoin hoạt động trên chính chuỗi khối của nó, Ether chạy trên mạng lưới Ethereum.
Một số loại coin phổ biến là Bitcoin, Ether, Litecoin, Dogecoin, Monero... đều được phát triển trên một nền tảng blockchain độc lập. Bên cạnh đó, việc tạo ra coin mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu. Nhà phát triển có thể quản lý nguồn cung của coin, mức độ an toàn và cách chúng hoạt động.
Bitcoin, một loại tiền mã hoá hoạt động trên blockchain độc lập. Ảnh: GI.
Người dùng được phép chuyển coin trên cùng một mạng lưới. Tuy nhiên, người dùng không chuyển được coin từ mạng này sang mạng khác. Điều này có nghĩa họ không thể bán Bitcoin và mua Litecoin trên cùng mạng lưới blockchain của Bitcoin.
Từ đó, các sàn giao dịch (như Binance, Coinbase) là trung gian, giúp người dùng giao dịch trên từng mạng lưới riêng của các loại coin này. Với coin, người dùng có thể sử dụng với hai chức năng là trao đổi và trả phí giao dịch. Về mặt lưu trữ, người dùng cần sử dụng ví phù hợp với blockchain để trữ coin.
Token được phát triển trên nền tảng blockchain sẵn có
Theo Business Insider, token đại diện cho một loại tài sản kỹ thuật số. Token không có cơ sở hạ tầng độc lập, nó được phát triển trên các chuỗi khối hiện có. Một số token thường thấy là Tether (USDT), Uniswap (UNI), Chainlink (LINK), Polygon (MATIC).
Bên cạnh các sàn tập trung, nhà đầu tư còn có thể dùng token trên các ứng dụng phi tập trung (DApps). Người dùng có thể nắm giữ các token này để sử dụng các tiện ích của nền tảng, giao dịch, stake (khóa token trên nền tảng và nhận lãi) hay tham gia quản trị nền tảng... Ví dụ: người dùng nắm giữ token tiện ích NEAR để tham gia staking, trả phí giao dịch và lưu trữ dữ liệu trên Near Protocol.
Token được phân chia thành nhiều loại khác nhau gồm token bảo mật, token tiện ích, token giao dịch, token không thể thay thế (NFT), token quản trị. Trong đó, NFT thường đại diện cho một loại tài sản riêng biệt, không thể chia nhỏ. Các đội ngũ phát triển thường dùng loại token này để phát hành những tác phẩm nghệ thuật vì tính chất của nó.
Tether (USDT) chạy trên nhiều blockchain khác nhau gồm Bitcoin, Ethereum, Tron, EOS, Algorand và OMG.
Polygon là một trong các nền tảng tiền mã hóa chạy trên chuỗi khối Ethereum, cung cấp các giao dịch nhanh, có phí rẻ. Hơn thế nữa, từ năm 2021, số lượng lớn DApps được phát triển trên blockchain Ethereum, dùng mã hợp đồng thông minh. Các token này thường dùng đồng ETH để làm phí nội bộ mạng lưới.
Tether (USDT) là token được phát triển trên nhiều blockchain, nhằm tăng tốc giao dịch và giúp người dùng giảm chi phí. Do đó, token không phụ thuộc vào một chuỗi khối nhất định, có tính linh hoạt, giúp người dùng dễ giao dịch hơn.
Theo Business Insider, các DApps sử dụng token được cho là dễ phát triển hơn coin. Điều này đã dẫn đến đợt bùng nổ của các ứng dụng phi tập trung và token không thể thay thế (NFT).
DeFi được xem là các công cụ tài chính sử dụng tiền mã hoá. Người dùng có thể mua token và cho vay để thu lợi nhuận cao hơn việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Với việc lưu trữ token, người dùng có thể sử dụng chung với ví coin nhưng cần địa chỉ ví có nền tảng tương ứng.
Token lừa đảo
Các token rác được tạo ra trên nền tảng Binance Smart Chain và Ethereum, vốn chỉ cần khoảng vài giờ để hoàn thành. Bên cạnh đó, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra tiền mã hoá hoạt động trên các blockchain này.
Trên các sàn phi tập trung thường xuyên xuất hiện các token giả mạo. Kẻ lừa đảo có thể thao túng giá, rút thanh khoản của đồng tiền số này để thu lợi nhuận cá nhân, khiến nhà đầu tư mất trắng tài sản.
Dự án Teller Finance cảnh báo về token giả mạo hồi tháng 8/2020. Ảnh: TD.
Theo BSC News, loại token giả mạo thường có tên, ảnh đại diện giống hệt các dự án chính thống, chỉ khác mã hợp đồng thông minh (smart contract). Trước khi giao dịch, người dùng cần kiểm chứng smart contract của dự án trên các trang thông tin lớn như CoinMarketCap, CoinGecko, GitHub... để tránh mua nhầm token giả mạo.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể kiểm tra mã hợp đồng thông minh trên dữ liệu blockchain của nền tảng tương ứng. Trước khi đầu tư vào bất kỳ dự án tiền số nào, người dùng cần tìm hiểu kỹ trang chủ, lộ trình, đội ngũ phát triển nhằm tránh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.
Theo Zing