Từng là thị trường hái ra tiền của các Big Tech, thời kỳ tăng trưởng của dịch vụ đám mây đang có xu hướng chững lại, buộc họ phải đổi mới để giữ chân khách hàng.
Giữa bối cảnh kinh tế lao dốc, người dùng bắt đầu cân nhắc các khoản chi tiêu và quyết định cắt giảm dịch vụ đám mây để tiết kiệm chi phí. “Việc người dùng thắt lưng buộc bụng đã gây áp lực lớn lên các tập đoàn công nghệ”, Barry Briggs, cựu giám đốc Microsoft nhận định.
"Mỏ vàng" của các Big Tech
Trong một thời gian dài, dịch vụ lưu trữ đám mây được xem là thị trường “hái ra tiền”. Hơn một nửa lợi nhuận hàng năm của Amazon đến từ mảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS).
Với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, chi phí dành cho dịch vụ lưu trữ chiếm phần lớn ngân sách vì họ cần chuyển số lượng dữ liệu khổng lồ lên các nền tảng như Amazon, Microsoft, Google. Nhưng giờ đây, họ đã nhận ra mình cần giảm chi cho các dịch vụ này để đối mặt với thách thức kinh tế trước mắt.
Amazon Web Services, Azure và Google Cloud là những nền tảng điện toán đám mây của các Big Tech. Ảnh: ACloudGuru.
Amazon và Microsoft đã nhanh chóng nhận ra sự thay đổi này. Họ cho rằng người dùng đang có xu hướng “tối ưu hóa” khoản chi dành cho dịch vụ đám mây khi doanh thu từ lĩnh vực này trong quý III/2022 đột ngột giảm sút.
Trước khi sụt giảm, lợi nhuận đến từ nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft đã có dấu hiệu giảm tốc khi chỉ tăng 42%, thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng của AWS cũng chỉ đạt 27%, mức tăng thấp nhất kể từ khi Amazon công bố doanh thu của dịch vụ này.
Theo Financial Times, các doanh nghiệp đã nhận ra càng lưu trữ dữ liệu lên các nền tảng đám mây, chi phí của họ càng hao hụt. Trong khi đó, những công ty cung cấp dịch vụ đám mây lại không đủ nhanh nhạy để điều chỉnh chi phí khi số lượng doanh nghiệp hợp tác tăng nhanh. Họ thỏa mãn với sự tăng trưởng trước mắt và thuyết phục khách hàng rằng họ sẽ thu lợi lớn về lâu về dài.
Tuy nhiên, khi người dùng thắt chặt chi tiêu, khó khăn đã ập đến với những dịch vụ này. “Trong giai đoạn này, tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường sự gắn bó lâu dài của khách hàng đối với dịch vụ”, CEO Satya Nadella của Microsoft nói trong buổi báo cáo tài chính quý III. Kết quả doanh thu của tập đoàn đã làm các nhà phân tích tại Phố Wall sửng sốt, cho thấy thị trường điện toán đám mây đang có dấu hiệu chững lại.
Hạ giá để lôi kéo khách hàng
Để cứu vãn tình hình này, các tập đoàn đành ra sức lôi kéo khách hàng mua dịch vụ của mình, tìm kiếm những mối hợp tác lâu dài. Amazon cho biết họ đã giúp người dùng bằng cách chuyển số dữ liệu của họ vào những vi xử lý.
Tập đoàn công nghệ Mỹ đã thiết kế con chip Graviton hiệu năng cao, đồng thời đẩy nhanh tốc độ công nghệ Trainium xử lý dữ liệu bằng máy học. Điều này đã đẩy Amazon vào thế cạnh tranh trực tiếp với những hãng vi xử lý nổi tiếng như Intel, Nvidia.
AWS còn tuyên bố sẽ có ưu đãi lớn cho các khách hàng chuyển nhiều dữ liệu của mình tại các trung tâm dữ liệu của Amazon, giúp hãng công nghệ đánh bại những đối thủ nhỏ lẻ. “Họ muốn các khách hàng chi nhiều tiền và phát triển dữ liệu trên nền tảng của họ thay vì những nhà cung cấp dịch vụ khác”, chuyên gia tư vấn đám mây Corey Quinn nhận định.
Các tập đoàn như Amazon luôn dùng những từ như “đặt cược tất cả” (all in), “dịch vụ đám mây tuyệt vời nhất” khi giới thiệu các gói ưu đãi để người dùng mua dịch vụ của họ và không quan tâm đến những đối thủ khác, chuyên gia nói thêm.
Phản hồi về điều này, Phó chủ tịch AWS Elizabeth Baker khẳng định họ không hề ép buộc các khách hàng phải lưu trữ dữ liệu ở đâu và dù họ lựa chọn thế nào thì vẫn không ảnh hưởng đến giá bán của AWS. “Những khách hàng hợp tác lâu dài với AWS chắc chắn sẽ là những người nhận về lợi ích kinh tế tốt nhất”, bà khẳng định.
Trong khi đó, Microsoft lại chọn hướng đi khác khi kết hợp dịch vụ điện toán đám mây Microsoft 365 với Dynamics để “đi sâu vào nhu cầu của khách hàng”, cựu Giám đốc Microsoft Barry Briggs cho biết.
Theo giới phân tích, ngoài những tên tuổi lớn như Amazon, Microsoft, những nền tảng lưu trữ đám mây khác cũng tung ưu đãi hấp dẫn để lôi kéo người dùng lâu dài. Briggs cho biết một số dịch vụ cam kết sẽ giảm 70-80% chi phí nếu khách hàng mua dịch vụ của họ trong nhiều năm liền. “Điều này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm một khoản rất lớn”, ông nói.
Nhờ đó, các khách hàng nhận ra họ hoàn toàn có khả năng thương lượng với các công ty đám mây để được lợi lớn nhất. Họ thường sẽ mua dịch vụ trong vòng 5 năm liên tiếp, nhà phân tích Michael Silver của Gartner nói. Nếu đổi dịch vụ lưu trữ khác, họ sẽ phải tốn nhiều phí chuyển dữ liệu. “Và khi đổi sang nhà cung cấp khác, họ lại gặp vấn đề tương tự”, chuyên gia nhận định.
Theo Zing