Với việc nhìn dán mắt vào chiếc smartphone của mình khi ra đường thì có thể bạn đã dính virus "smartphone zombie" rồi đó.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là smartphone đã và đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Thế nhưng không vì thế mà nó được coi là toàn diện và không có nhược điểm nào cả.
Cụ thể, chứng nghiện smartphone cũng đang là một vấn đề nhức nhối, thậm chí nhiều trường hợp được ghi nhận bị "ám ảnh smartphone", triệu chứng không khác gì bệnh tâm thần. Viễn cảnh một ngày "đại dịch smartphone" dần lan rộng khắp toàn cầu có lẽ sẽ không còn xa nữa.
Không tin ư? Thử nhìn qua những dấu hiệu và ví dụ đáng sợ dưới đây tại các quốc gia trên thế giới nhé:
1. Đức - "Smombie"
Tháng 12/2015, "smombie" chính thức được đưa vào từ điển hiện đại - kết hợp giữa "smartphone" và "zombie" (xác sống) - để phản ánh những mặt tiêu cực tiềm tàng của smartphone khi khiến chủ nhân chỉ chú tâm duy nhất vào nó dù có đang làm việc gì đi chăng nữa, kể cả là di chuyển qua đường phố nguy hiểm.
Sau nhiều tai nạn liên quan đến việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, các thành phố ở Đức như Ausberg, Cologne đã lắp đặt hệ thống đèn giao thông với nhiều đèn LED để dễ gây chú ý và cảnh báo mọi người. Thống kê đáng sợ ở các thủ đô ở châu Âu đã cho biết: 25% số người từ 25-35 tuổi thường dán mắt vào màn hình điện thọai khi đi bộ.
2. Nghiện điện thoại
Theo chuyên gia trị liệu tâm lý Nancy Colier, cứ trung bình mỗi 6 phút, một người lại kiểm tra điện thoại 1 lần - tương đương 150 lần/ngày. Những người trẻ tuổi gửi đi 100 tin nhắn/ngày và 46% cho biết mình không thể sống mà thiếu điện thoại. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Maryland gần đây cũng phát hiện ra rằng: Phần lớn các sinh viên gặp khó khăn khi họ cố gắng rời xa điện thoại trong 24 giờ, đồng thời rủi ro về mặt sức khỏe là rất lớn.
3. Pokemon Go - "Xâm chiếm Trái Đất"
Pokemon Go là một tựa game mang lại thành công lớn. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần kể từ khi ra mắt trò chơi vào tháng 7/2016, các báo cáo về những tai nạn, rủi ro và tình huống hi hữu xảy đến với người chơi đã tràn ngập mặt báo.
Cụ thể, chỉ vì quá tham gia và hướng chặt sự chú ý của mình vào trò chơi mà Shayla Wiggins ở Wyoming đã... vấp qua một xác chết ở ngay trên bờ sông khi đi ngang qua tìm Pokemon. Ngoài ra, ở Missouri, các tên cướp đã lợi dụng tính năng định vị địa lý của ứng dụng để phục kích bất ngờ những người chơi đi một mình đến nơi vắng vẻ...
4. Trung Quốc: Đường đi riêng cho dân nghiện smartphone
Tháng 9/2014, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã mở ra một lối đi bộ riêng cho người sử dụng smartphone. Được biết, đây không phải tuyến đường chuyên cho smartphone đầu tiên như vậy - trước đó đã có 1 tuyến đường giống thế ở Washington (Mỹ). Một nghiên cứu sau đó đã thống kê rằng số người bị thương tích do đi bộ mà quá chú tâm vào smartphone ở Mỹ đã tăng vọt từ 256 lên 1506/năm kể từ năm 2005-2010.
5. Thụy Điển: Vấn nạn smartphone
Trong thập kỷ qua, hàng trăm người đi bộ tại Thụy Điển đã bị thương trong khi dán mắt vào chiếc điện thoại của họ. Cụ thể, mới tháng 5/2016, Cơ quan Vận tải Thuỵ Điển đã thông báo hơn 650 người đã bị thương nghiêm trọng trong các vụ tai nạn liên quan, nghiêm trọng nhất là bị xe cơ giới đâm phải khi không chú ý.
Để giải quyết vấn đề này, các nghệ sĩ Jacob Sempler và Emil Tiisman đã tạo ra các biển báo để cảnh tỉnh người đi bộ và cảnh báo cả người lái xe khi lưu thông. Tháng 11/2015, những biển báo này đã xuất hiện khắp thủ đô của Thụy Điển, với hình ảnh 2 người đi bộ nam, nữ với đôi mắt chỉ "dí chặt" vào màn hình điện thoại.
6. Mỹ: "Ảo ảnh" điện thoại
Chắc chắn bạn đã từng cảm thấy rằng dường như ai đó vừa nhắn tin hay gọi cho mình, có cảm giác điện thoại báo rung trong túi quần, nhưng khi mở ra thì lại hoàn toàn không có gì phải không?
Đây chính là một trong những dấu hiệu của chứng nghiện smartphone. Daniel Kruger từ Đại học Michigan đã thử làm một cuộc điều tra trên 800 sinh viên đại học. Cuối cùng, kết quả cho thấy nếu bạn có cảm xúc ổn định và giữ vững quan điểm, cách thức làm việc hằng ngày, bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi chứng "ảo ảnh" này hơn. Ngoài ra, phụ nữ cũng cho thấy họ dễ gặp triệu chứng này hơn nam giới.
7. Hàn Quốc: Cố nhưng vẫn tuyệt vọng
Số lượng người nghiện điện thoại ở Hàn Quốc là rất cao.
Năm 2016, các quan chức Seoul tuyên bố số tai nạn giao thông liên quan đến smartphone đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm gần nhất. Do đó, họ đã khởi động dự án thực nghiệm trong 6 tháng, tốn 33000 USD để các biển cảnh báo trong 5 thành phố có nhiều người đi bộ nhất.
Tuy vậy, nó dường như đang trở nên vô ích khi mọi người thậm chí còn chẳng buồn để tâm đến những biển hiệu. Hầu hết những người ở đây nghiện điện thoại đều cảm thấy lo lắng khi không có nó, tồi tệ hơn nữa họ sẽ không đi tắm nếu như không có chiếc smartphone để ngay cạnh gần.
8. Hà Lan: Đèn dẫn cho lối đi
Đèn dành cho "smartphone zombie".
Tháng 2/2016, một thị trấn của Hà Lan đã giới thiệu các loại đèn đặc biệt lắp đặt tại lối đi bộ để hướng dẫn các "thây ma smartphone" di chuyển một cách an toàn. Các dải đèn được thiết kế lắp trên mặt đường đi để khi đang cúi gằm mặt xuống, họ vẫn có thể nhìn thấy và nhận ra mình sắp... lao qua đường mà không hề hay biết.
9. Hồng Kông: "Bộ lạc đầu gối"
Bạn sẽ phải cúi xuống nhìn điện thoại như việc bạn cúi xuống nhìn đầu gối vậy.
Theo nghiên cứu của Ipsos Group, hơn 80% cư dân Hồng Kông từ 15-34 tuổi sở hữu một chiếc smartphone. Sự ám ảnh này đã trở nên tràn lan đến nỗi để người ta gọi đó là "bộ lạc đầu gối". Những người như vậy có điểm chung là luôn vừa nhìn xuống vừa đi bộ một cách mù quáng để trả lời tin nhắn hay làm những việc khác trên smartphone.
10. Anh: Nguy hiểm nghiêm trọng cho trẻ em
Việc người lớn sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh cũng có thể gây hại đến trẻ em.
Tháng 2 năm 2017, Bộ Giao thông vận tải Anh đã cảnh báo nguy cơ sử dụng smartphone dẫn tới sự gia tăng số ca tử vong cho trẻ em. Đặc biệt, tháng 10 năm 2016, một đoạn video trên Internet cho thấy một chiếc SUV đang chuyển động chậm chạp tiến đến chỗ 1 cô bé cỡ 1, 2 tuổi, trong khi mẹ của đứa trẻ tụt lại phía sau, hoàn toàn tập trung vào chiếc điện thoại trên tay. Để rồi đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Nguồn: kenh14.vn