Khi marketing đã trở thành một mạch máu quan trọng của thế giới smartphone, những từ khóa vô cùng ý nghĩa sẽ dần dần trở nên vô nghĩa. Nạn nhân mới nhất của sự thật đau lòng này bao gồm cả trào lưu công nghệ siêu việt nhất hiện nay: AI, trí thông minh nhân tạo.
Nếu theo dõi sự kiện của ASUS tại MWC, bạn chắc chắn sẽ có cảm giác rằng trí thông minh nhân tạo đang “thẩm thấu” một cách triệt để vào cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, ngay cả một hành động đơn giản như sạc pin giờ cũng có AI. Theo ASUS, AI Charging sẽ quan sát thói quen đi ngủ của bạn, hay ngủ giờ nào, dậy lúc mấy giờ để từ đó điều chỉnh thời gian sạc pin. Lúc đầu AI Charging sẽ cho máy sạc đến 80% pin và dừng lại, đợi đến khi bạn gần ngủ dậy thì máy sẽ sạc tiếp. Khi bạn vừa dậy, pin cũng vừa đầy 100%. ASUS nói rằng bằng cách đó, tuổi thọ của pin sẽ tăng lên gấp đôi.
Nghe có vẻ rất thông minh, và rõ ràng là rất hữu ích. Thế nhưng, nếu tinh ý bạn có lẽ đã nhận ra sự thật: cái ASUS gọi là “AI Charging” thực chất chỉ là tính năng chặn sạc dựa theo giờ theo dõi mà thôi.
AI phong cách 1998?
Tự thay đổi độ sáng cũng là AI...
Vậy, “AI” là gì? Câu trả lời là rất khó đưa ra, và thực tế ngay cả những cách giải thích đơn giản nhất cũng đòi hỏi hẳn một bài viết riêng như thế này để trả lời. Song, điều đáng nói ở đây là, dựa trên mô hình mạng neuron mở rộng do người Việt góp công xây dựng, cuộc cách mạng AI đang bùng nổ. Những chiếc máy tính đang có khả năng tiêu thụ một lượng dữ liệu khổng lồ để “hiểu” người dùng rõ ràng hơn, để phục vụ chúng ta theo cách “giống người” hơn.
Cuộc cách mạng đó đang "ngấm" vào smartphone. Ví dụ, iPhone X có khả năng giả lập hiệu ứng ánh sáng như thể một ai đó đang điều chỉnh ánh đèn chiếu vào mặt bạn. Hoặc, với tai nghe PixelBuds, Google Play có thể thực hiện phiên dịch giọng nói giống như một phiên dịch viên thứ thiệt.
Những tính năng ASUS gọi là “AI” còn lâu mới đạt đến đẳng cấp của Apple và Google. Trái lại, hãng smartphone Đài Loan đang đem AI “ném” lên những tính năng đã có trên smartphone từ vài năm trước khi Apple tạo ra neural engine cho iPhone X: “AI Display” tự động giảm độ sáng khi người dùng không nhìn vào màn hình, “AI Beautification” tự chỉnh sửa khuôn mặt trong selfie, "AI Rington" tự động thay đổi... nhạc chuông dựa theo tiếng ồn môi trường.
Tự chọn cảnh chụp là tính năng có trên máy ảnh dung lịch từ 1998 chứ không phải đợi tới smartphone 2018.
Hài hước nhất là “AI Scene Detection”: ASUS tuyên bố tính năng này để tự động lựa chọn 16 loại cảnh chụp khác nhau. Như bạn đọc chắc chắn đã nhận ra, ngay cả máy ảnh du lịch từ hơn 10 năm trước đã có sẵn tính năng này. Canon, Nikon hay Panasonic chỉ gọi tùy chỉnh đó là “Auto” trên giao diện của mình thay vì ghép một cái tên thật kêu như “AI Scene Detection mà thôi”.
Loạn ngôn ngữ
Không cần phải nói, ASUS không phải là công ty duy nhất đang lạm dụng cụm từ AI. Ví dụ, LG gọi giao diện menu qua giọng nói của mình là “Voice AI”, nhưng chỉ nhận diện từ ngữ thuần túy thì chưa thể gọi là “trí thông minh nhân tạo”, bởi LG vẫn chưa thể tạo ra khả năng phục vụ theo kiểu “người” cho Voice AI. Tất cả những gì LG có thể làm chỉ là nhận diện giọng nói rồi điều hướng bên trong các menu được định nghĩa sẵn.
Nhập nhằng hơn nữa là những cách sử dụng AI cực kỳ thô sơ để gợi nhắc đến các bộ AI cao siêu hơn. OPPO gần đây tung ra chiếc F5 với khả năng “tự đưa ra chỉnh sửa tốt nhất”. Không khó để nhận ra rằng tính năng này được OPPO giới thiệu ngay sau khi Apple và Google gây cú sốc lớn bằng cách tích hợp mạng neuron vào xử lý ảnh chụp. Thế nhưng, trong khi cách áp dụng của Apple và Google là cực kỳ khó thực thi (bao gồm cả thiết kế chip mới) và có thể đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc thì tính năng của OPPO không khác gì các ứng dụng chỉnh sửa ảnh thông thường cả.
Kể từ sau khi AI trở thành yếu tố thu hút trên iPhone X, các nhà sản xuất bỗng dưng lại thích khoe điện thoại của mình có AI.
Hoặc, một ví dụ nữa rất đáng để suy ngẫm là Huawei. Đến nay, Huawei vẫn là một trong rất ít các tên tuổi có thể thực sự tạo ra một bộ xử lý neuron thực thụ trên smartphone của mình – ngay cả Samsung cũng chưa làm được điều này. Thế nhưng, trong khi Huawei đã có phần cứng thì phần mềm vẫn chưa có chút nào là AI cả. Nhiều tính năng AI của Huawei là do Microsoft cung cấp, còn Huawei vẫn mới chỉ thực hiện được những bài toán "nhập môn" căn bản với giới nghiên cứu AI: nhận diện hình ảnh.
Đừng "đánh tráo khái niệm" với người dùng
Một lần nữa, hiểu đúng về AI không phải là chuyện đơn giản. Rất nhiều các tính năng đang được các nhà phát triển cung cấp có thể coi là AI về mặt lý thuyết. Song, trong thực tế, cần phải nhớ rằng AI trong những năm vừa qua đã tiến rất xa. Các tính năng của Apple, Google, Microsoft, Amazon về AI đều là những công trình đòi hỏi công sức nghiên cứu lâu năm để đem ra những tính năng không phải ai cứ muốn là làm được. Ngay đến cả trợ lý ảo Bixby của Samsung, dù chưa đạt đến tầm chất lượng của Google Assistant hay Amazon Alexa cũng vẫn là một thành tựu cần công nhận: đây là lần đầu tiên một gã khổng lồ phần cứng dám dấn chân vào làm phần mềm thực sự, AI thực sự.
AI: Không phải cứ tuyên bố, cứ khoe khoang là làm được.
Đáng tiếc rằng hệ lụy tất yếu của các thành tựu AI này sẽ là sự ăn theo... nửa vời của các nhà sản xuất kém đầu tư hơn. Đánh trúng vào sự hiểu biết giới hạn của công chúng nói chung về AI, họ đang tìm cách nhập nhằng khái niệm để một lần nữa xếp chung mình vào cùng đẳng cấp với những chiếc iPhone X bán rất chạy trong năm vừa qua.
Một chiến lược như vậy rõ ràng là "đánh tráo khái niệm" với người dùng, bởi AI hiện nay vẫn là một lĩnh vực rất mới mẻ và hiếm khi tìm được một sân chơi phổ thông như iPhone. Nếu các nhà sản xuất lại sử dụng các khái niệm nhập nhằng để đánh đồng AI "xịn" và AI "đểu", chắc chắn sự trân trọng dành cho các công nghệ thực sự thông minh sẽ bị giảm sút. Và đó là kịch bản không mong muốn với bất kỳ một ngành công nghiệp nào, đặc biệt là ngành sản xuất smartphone.
Nguồn: genk.vn